Quận Ngô Quyền đang có nguy cơ trở thành điểm nóng về dịch bệnh Sốt xuất huyết với số ca tăng nhanh mỗi ngày và nhiều nhất thành phố. Các phường Đổng Quốc Bình, Gia Viên, Máy Tơ, Lạc Viên là những phường có số ca mắc cao và khả năng lây lan sang phường Lê Lợi là rất lớn. Vì vậy, mỗi người cần nâng cao hiểu biết và ý thức phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết.
I. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA BỆNH
- Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây thành dịch, do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian truyền bệnh là muỗi vằn.
- Hiện nay bệnh vẫn không có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng nên có thể dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Mọi người đều có thể bị mắc bệnh từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn.
- Dịch lớn SXHD bùng nổ theo chu kỳ khoảng 3-5 năm
- Bệnh phát triển theo mùa và có sự khác nhau giữa các vùng miền. Bệnh SXHD phát triển nhiều nhất vào các tháng 7,8,9,10 trong năm.
* Tác nhân gây bệnh
Là vi rút Dengue, có 4 týp: Dengue I, II, III và IV.
* Muỗi truyền bệnh SXHD:
Muỗi vằn (Aedes) sinh sản quanh năm, cao nhất vào những tháng mùa mưa. Muỗi Aedes bay xa được tối đa 400m, do vậy sự di chuyển của VR Dengue đến nơi xa thường do người bị bệnh đi theo đường giao thông từ nơi này đến nơi khác.
Muỗi vằn (Aedes) đẻ trứng vào thành của các dụng cụ chứa nước như: chum, ang, vại, bể, chậu cảnh, hòn non bộ hoặc vào các dụng cụ phế thải (DCPT) như: lốp xe, mảnh bát vỡ, gáo dừa, lon sữa chua...sau đó trứng sẽ nở thành lăng quăng, bọ gậy và tiến triển thành muỗi.
* Ai có thể mắc bệnh: Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh nếu bị muỗi vằn đốt khi muỗi có mang vi rút với tải lượng đủ cao.
- Khi bị mắc SXHD: cơ thể sẽ tạo miễn dịch bền vững với typ vi rut đã gây bệnh. Một người có thể bị mắc nhiều lần với các typ khác nhau, lần mắc sau thường nặng nề hơn lần mắc trước.
* Các yếu tố làm xuất hiện và lan truyền bệnh:
- Nơi đông dân cư tập trung
- Vùng có vệ sinh môi trường kém,
- Quá trình đô thị hoá không kiểm soát,...
II. MỘT SỐ BIỂU HIỆN CỦA BỆNH
* Thời kỳ ủ bệnh và lây truyền:
- Thời kỳ ủ bệnh từ 3-14 ngày, trung bình là 5-7 ngày.
- Bệnh nhân là nguồn lây bệnh trong thời kỳ có sốt, nhất là trong 5 ngày đầu của sốt là giai đoạn trong máu có nhiều vi rút. Muỗi bị nhiễm VR thường sau 8-12 ngày sau hút máu có thể truyền bệnh cho người lành.
* Thời kỳ phát bệnh: Có biểu hiện đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm ca bệnh, điều trị đúng và kịp thời sẽ hạn chế được số ca tử vong.
III. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
Để chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue, mọi người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
1. Hàng tuần chủ động thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy; giữ vệ sinh môi trường nơi sinh sống.
2. Mặc quần áo dài, ngủ nằm màn tránh muỗi đốt kể cả ban ngày.
3. Chủ động, tích cực phối hợp với cán bộ y tế và Ban, Ngành, Đoàn thể trong các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và khi phun hóa chất diệt muỗi xử lý ổ dịch.
4. Đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng nghi sốt xuất huyết Dengue để được khám, tư vấn; không nên tự ý điều trị tại nhà;
5. Thông báo ngay cho Trạm y tế phường hoặc Trung tâm Y tế quận khi phát hiện có người nghi mắc bệnh.
Để diệt bọ gậy, người dân có thể thực hiện thường xuyên các biện pháp đơn giản, rẻ tiền, dễ làm như sau:
+ Thả cá vào các bể, phi chứa nước, hòn non bộ; bể cảnh (cá thường dùng là các loại cá nhỏ như cá muỗi, cá bảy màu, cá rô, cá sóc…)
+ Thay rửa dụng cụ chứa nước, thay nước các lọ hoa, cây cảnh có nước 1 tuần/1 lần.
+ Thu gom phế liệu phế thải 1 tuần/ 1 lần;
+ Đậy nắp kín các dụng cụ chứa nước, lật úp dụng cụ chứa nước khi không sử dụng.
+ Thả muối vào các bát nước kê chân chạn; thả muối hoặc vôi bột để tiêu diệt các ổ lăng quăng, bọ gậy…